Các giả định chủ yếu Chủ_nghĩa_hiện_thực_(quan_hệ_quốc_tế)

Lý thuyết chủ nghĩa hiện thực xoay quanh những giả định chính sau:[4]

  1. Hệ thống quốc tế là vô chính phủ, vô tổ chức.
    • Không có thiết chế siêu chính phủ nào trên các quốc gia quy định các hoạt động giữa các nước. Các quốc gia tự thỏa thuận mối quan hệ giữa họ với nhau.
    • Hệ thống quốc tế tồn tại trong tình trạng luôn đối kháng, cạnh tranh lẫn nhau.
  2. Các quốc gia (dân tộc có chủ quyền) là chủ thể chính.
  3. Tất cả các nước trong hệ thống đều là các chủ thể đơn nhất, dựa trên lý trí.
    • Các quốc gia có khuynh hướng theo đuổi lợi ích riêng.
    • Các nhóm cố gắng giành được càng nhiều quyền lực càng tốt.
  4. Quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia là sự tồn tại.
    • Các quốc gia gầy dựng quân đội để mà tồn tại, mà có thể dẫn tới các xung đột vũ trang.

Tóm lại, các lý thuyết gia chủ nghĩa hiện thực, như Thomas Hobbes, cho là con người bản tính không nhân từ, cho mình là trung tâm vũ trụ và có khuynh hướng cạnh tranh với nhau, nên dễ gây xung đột ngoại trừ có những điều kiện mà buộc họ phải làm việc chung với nhau. Con người cũng được cho là có khuynh hướng vô tổ chức, nghĩ tới lợi ích riêng, tự lực và thường bị thúc đẩy dành thêm quyền lực. Cái nhìn này trái ngược với chủ nghĩa tự do trong quan hệ quốc tế.

Các quốc gia luôn tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống vô chính phủ thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau.

Trong chủ nghĩa hiện thực, quốc gia là chủ quyền quan trọng nhất. Nó đơn nhất và tự trị, quyền lực của một nước thường được hiểu là khả năng về quân sự. Một khái niệm quan trọng trong chủ nghĩa hiện thực là sự phân chia quốc tế về quyền lực gọi là sự phân cực hệ thống. Phân cực ở đây nói tới các khối các quốc gia mà áp dụng quyền lực trong một hệ thống quốc tế. Một hệ thống nhiều cực bao gồm 3 hay nhiều khối, 2 cực là 2 khối, và một cực là một quyền lực duy nhất nổi bật.

Khi chỉ có một cực, chủ nghĩa hiện thực tiên đoán là các quốc gia khác sẽ hợp lại với nhau để đối kháng lại với quốc gia bá quyền (hegemon) để lấy lại quân bình về quyền lực.

Các quốc gia quyết định một cách duy lý bằng những tiếp nhận và đối phó với những thông tin đầy đủ và chính xác. Các nước đều có chủ quyền và làm theo lợi ích quốc gia bằng quyền lực. Bởi vì hệ thống quốc tế là vô tổ chức, không có một thẩm quyền quốc tế nào, các quốc gia tự phải lo lấy cho an ninh của mình.

Các lý thuyết gia chủ nghĩa hiện thực tin tưởng các quốc gia chủ quyền là các nhân vật chính trong hê thống quốc tế, đáng để ý đặc biệt là các cường quốc bởi vì họ có ảnh hưởng nhiều nhất trên sân trường quốc tế. Các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, cá nhân hay các nước lệ thuộc được cho là không có ảnh hưởng đáng kể. Các quốc gia theo bản năng thì hung hăng (chủ nghĩa hiện thực tấn công) và thường bị ám ảnh bởi vấn đề an ninh (chủ nghĩa hiện thực phòng thủ), và việc bành trướng lãnh thổ chỉ bị ghìm lại bởi các quyền lực đối kháng. Việc tích tụ hung hăng này dẫn tới một tình trạng an ninh khó xử, vì việc gia tăng an ninh có thể mang lại nhiều bất ổn, vì thế lực đối lập sẽ tích lũy vũ khí để đối đáp, dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí.

Các lý thuyết gia chủ nghĩa hiện thực tin tưởng là không có nguyên tắc chung nào mà các quốc gia có thể dùng để hướng dẫn các hoạt động của họ. Cho nên, một nước luôn phải để ý tới hành động của các nước khác chung quanh nó, và phải sử dụng những biện pháp thực dụng để giải quyết vấn đề khi nó hiện ra.